Vào lúc 20h10 ngày 27/4/2019 tại Sân vận động huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An, Công ty Nghệ thuật Quảng cáo H20 phối hợp với Huyện ủy, UBND huyện Nghi Lộc long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Nghi Lộc và đón nhận huân chương lao động hạng Nhì.
Dự lễ có các đồng chí: Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thị Thủy – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Xuân Sơn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Thái Thanh Quý – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Quân khu 4; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, lão thành cách mạng; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ nhân dân huyện Nghi Lộc.
Trải qua 550 năm hình thành, xây dựng và phát triển, từ các tên gọi: Dương Thành, Dương Toại, Phố Dương, Tân Phúc, Nghi Chân, Chân Phúc, Chân Lộc, đến đời vua Thành Thái (1894) đổi thành Nghi Lộc; tròn 125 năm, tên gọi Nghi Lộc với khát vọng bao đời về cuộc sống phồn vinh, tràn đầy phúc lộc!
Cùng với thăng trầm lịch sử, địa giới hành chính Nghi Lộc đã nhiều lần được điều chỉnh. Đến nay, sau nhiều lần chia cắt, một số xã sáp nhập vào thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc hiện tại có 30 đơn vị hành chính với diện tích 34.770 ha, dân số 205.850 người.
Là vùng đất non nước hữu tình, “đông có biển, tây có rừng”, có kênh Nhà Lê; vị trí địa lí, địa hình của huyện thuận lợi nhiều mặt cho phát triển kinh tế và phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Trong lịch sử, vùng đất Nghi Lộc trở thành “phên dậu”, tuyến phòng thủ, căn cứ địa… của nhiều danh tướng các triều đại: Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đến Quang Trung – Nguyễn Huệ và trong phong trào Cần Vương, nhiều nơi trên đất Nghi Lộc là nơi tụ quân của các chí sĩ yêu nước…
Nghi Lộc là vùng quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh cách mạng; cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; mộc mạc chân thành trong đời sống. Trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Nghi Lộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ những người con ưu tú hăng hái lên đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm rạng danh quê hương, đất nước như: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Nguyễn Biện, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Chỉnh, Hoàng Phan Thái, Tiến sĩ Đinh Văn Chất, Cử nhân Nguyễn Thức Tự, chí sỹ Đặng Thái Thân, Linh mục Nguyễn Thần Đồng …
Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, huyện Nghi Lộc còn vinh dự, tự hào là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng. Dưới chế độ phong kiến cận đại, Nghi Lộc có rất nhiều người đỗ đạt, làm rạng danh cho dòng họ và quê hương. Thời Nhà Nguyễn, huyện có gần 100 người đỗ thi hương, chiếm gần 20% số người đỗ đạt trong toàn tỉnh, trong đó có 15 người đỗ đại khoa với nhiều trí thức tiêu biểu có tầm ảnh hưởng lớn như: Đông các đại học sĩ Tiến sỹ Phạm Nguyễn Du, Nhà giáo tiêu biểu Nguyễn Thức Tự,… Trên địa bàn huyện hiện còn bảo tồn được hệ thống di tích lịch sử văn hóa khá đồ sộ với 240 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, con em Nghi Lộc tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quê hương, không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành những người có ích cho xã hội, trong đó xuất hiện những trí thức, nhân tài có nhiều đóng góp xuất sắc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, Nghi Lộc đã có 42 người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, trên 100 người có học vị tiến sỹ, 21 người là nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sỹ ưu tú, 16 người được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động. Trong lĩnh vực quân sự, Nghi Lộc xuất hiện nhiều tướng lĩnh kiệt xuất như: Thượng tướng Trần Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Hoàng Đan… và rất nhiều những tấm gương là niềm tự hào của quê hương, là minh chứng cho khát vọng, nghị lực, trí tuệ và bản lĩnh của người Nghi Lộc.
Ngày nay, dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm của Trung ương, Nghi Lộc đã trở thành vùng kinh tế năng động của tỉnh Nghệ An với nhiều khu công nghiệp dịch vụ, dự án kinh tế lớn, điển hình như Khu công nghiệp Nam cấm, Cảng biển nước sâu quốc tế Nghi Thiết, Tổng kho xăng dầu DKC, Khu công nghiệp Hemaraj –WHA… Trong nhiều năm qua, huyện luôn duy trì tốc độ tăng trưởng từ 12 – 13%.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện tiếp tục được đổi mới theo chiều sâu, trọng tâm là không ngừng đổi mới nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tăng cường khả năng quản lý và điều hành của các cấp chính quyền; phát huy vai trò tích cực của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Toàn Đảng bộ hiện có 10.122 đảng viên, hàng năm có 50% số đảng bộ, chi bộ đạt xuất sắc và tiêu biểu. Đảng bộ huyện nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh biểu dương và chúc mừng những thành tích và kết quả to lớn mà Đảng bộ và nhân dân huyện nhà đã đạt được trong thời gian qua.
Trải qua 550 năm phát triển, Nghi Lộc hôm nay đang đứng trước nhiều thời cơ mới. Nghi Lộc nằm trong cực tăng trưởng phía Đông Nam của tỉnh, gắn liền trục tăng trưởng động lực Thành phố Vinh – thị xã Cửa Lò. Trong xu thế tất yếu của quá trình phát triển, mở rộng Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, việc điều chỉnh địa giới hành chính sẽ tạo điều kiện để Nghi Lộc xác định chiến lược phát triển mới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà cần xác định rõ các tiềm năng, thế mạnh của mình để hoạch định đường lối, chiến lược phát triển đúng đắn.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Đảng bộ và nhân dân Nghi Lộc tiếp tục triển khai và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Đó là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển huyện giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045 gắn với phát triển chung vùng trọng điểm của tỉnh, phù hợp với xu thế phát triển không gian đô thị từ thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, theo định hướng công nghiệp, đô thị và dịch vụ hậu cần cảng.
Cùng với đó, xác định các nhiệm vụ trọng tâm dựa trên thế mạnh, tiềm năng của huyện. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhất là làm tốt công tác vận động quần chúng, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Nghi Lộc cần tận dụng thế mạnh là có nhiều người con quê hương thành đạt trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống lịch sử và cách mạng, với tinh thần trách nhiệm dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân huyện Nghi Lộc sẽ tiếp tục phấn đấu sớm hiện thực mục tiêu trở thành huyện giàu mạnh, trở thành bộ phận quan trọng trong cực tăng trưởng của tỉnh, góp phần xứng đáng để xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng phát triển.
Với những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước và nhất là trong công cuộc đổi mới hôm nay, tại lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện, 125 năm danh xưng Nghi Lộc (1894 -2019), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Lộc đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Nghi Lộc – 550 năm hành trình lịch sử – tô thắm tình người, tình đất”
CÔNG TY TNHH NGHỆ THUẬT QUẢNG CÁO H.20
Mã số thuế: 2900 774 264
Trụ sở chính: B1105 Tecco Tower, Đường Quang Trung, Vinh, Nghệ An
Văn phòng giao dịch: Phòng 103, Toà Nhà Glory Place, Phường Trường Thi, Vinh, Nghệ An
Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh: Số 31, Đường số 6, Khu phố 2, Phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức
Trung Tâm Nghệ Thuật ID: 49 Phong Định Cảng, Vinh, Nghệ An
SĐT: 02382 600 166 - 0988 663 466
Email: [email protected]