Có một Thái Hòa ‘rất xưa và rất trẻ’

“Mời anh về quê em nơi miền tây xứ Nghệ

Đất đỏ Phủ Quỳ được đón Bác về thăm

Trên khắp quê em mùa cam trĩu quả

Bạt ngàn cao su dâng nhựa trắng cho đời…”

thai-hoa

Còn đúng 1 tháng nữa sẽ là dấu mốc đánh dấu Thị xã Thái Hòa tròn 10 năm từ một thị trấn huyện lỵ nhỏ bé chính thức “ra riêng” trở thành thị xã trẻ bên dòng sông Hiếu.

So với nhiều đô thị khác, thủ phủ cao nguyên Phủ Quỳ có bề dày thời gian chưa nhiều nhưng đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc của đô thị “trẻ mà không trẻ” này.

Thái Hòa xưa là trung tâm của đồn điền cao su, cà phê đầu tiên của người Pháp ở Việt Nam và cũng là quê hương của những thương hiệu cà phê nức tiếng một thời được xuất khẩu như “Arabica du Tonkin”.

Ngay từ năm 1913, cây cà phê đã bén duyên với mảnh đất này và kéo theo đó là những người dân trên khắp cả nước về làm phu đồn điền, các nghề thủ công, dịch vụ… Đô thị Thái Hòa cũng dần hình thành và phát triển hai bên dòng sông Hiếu từ đó.

Nói thế để thấy, Thái Hòa chính thức định danh là một đô thị độc lập quả thực còn trẻ nhưng cái mạch nguồn phố thị trong nó đã có lịch sử hơn cả trăm năm. Trải qua hơn một thế kỷ, với những thăng trầm của lịch sử, định danh Thái Hòa dần được khẳng định là một trung tâm phố thị giàu bản sắc, nơi hội tụ tinh hoa của mảnh đất Phủ Quỳ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ đây là thủ phủ trồng cây công nghiệp ở miền Bắc, những người công nhân Trung – Nam – Bắc chung tay sản xuất để xây dựng miền Bắc, là hậu phương chi viện cho miền Nam. Hòa bình lập lại, nhất là trong hàng chục năm đổi mới vừa qua, Thái Hòa lại phát triển sôi động, là trung tâm dịch vụ, thương mại không chỉ của huyện Nghĩa Đàn mà cho cả vùng Tây Bắc Nghệ An.

Cái áo thị trấn Thái Hòa khoác lúc đó có vẻ như quá chật cho một đô thị năng động, nhất là đặt trong chiến lược phát triển miền Tây. Vậy là cái ngày Thái Hòa “ra riêng” để trở thành một đơn vị hành chính thứ 20 của tỉnh Nghệ An cũng là điều tất yếu.

Ngày 15/11/2007, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 164 về việc thành lập thị xã Thái Hòa, trên địa phận huyện miền núi Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.514 ha, dân số 66.000 người. Thị xã được chia thành 10 xã, phường, trong đó 4 phường nội thị, thị trấn Thái Hòa đổi tên thành phường Hòa Hiếu.

Sau một thời gian chuẩn bị, sáng ngày 10/5/2008 tại huyện Nghĩa Đàn đã diễn ra lễ công bố thành lập thị xã Thái Hòa. Trong 10 năm qua có nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan nhưng với sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thị xã bên dòng sông Hiếu thực sự đã có nhiều đổi thay.

Nằm cách trung tâm Thị xã không xa về phía Đông Nam là Khu di chỉ khảo cổ học làng Vạc – nơi còn lưu giữ những giá trị của nền văn hóa Đông Sơn hàng ngàn năm trước. Và để xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa cũng như góp phần bảo tồn phát huy giá trị của di chỉ khảo cổ học Làng Vạc, năm 1999, di chỉ khảo cổ học làng Vạc được công nhận Khu di tích lịch sử Quốc gia và bắt đầu tổ chức Lễ hội thường niên. Về với Làng Vạc chính là về với cội nguồn, thắp một nét nhang thơm để tri ân các bậc tiên tổ đã có công mở đất, lập làng, lưu truyền cho hậu thế. Để nâng tầm Khu di tích, tương xứng với giá trị, ý nghĩa lịch sử, năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 24/QĐ. UBND – CN về quy hoạch chi tiết xây dựng Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học gắn với du lịch sinh thái với diện tích 155,94 ha, để làng Vạc trở thành điểm đến, một địa chỉ du lịch tâm linh về với cội nguồn.

Thái Hòa là địa phương cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực về văn hóa – xã hội phát triển toàn diện, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa – thông tin được xếp vào nhóm cao của tỉnh.

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả được hình thành như chăn nuôi bò sữa liên kết với nhà máy chế biến sữa của Vinamilk đóng trên địa bàn.

Đặc biệt, tính chất đô thị dịch vụ – thương mại ngày càng rõ nét khi ngày càng có nhiều tuyến phố thương mại, các cơ sở dịch vụ được doanh nghiệp và nhân dân đầu tư và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế.

Lãnh đạo Thị xã Thái Hòa chia sẻ: Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, Thái Hòa tập trung hoàn thiện cơ bản các hạ tầng trọng yếu, kết nối hạ tầng giao thông như cầu qua sông Hiếu, các tuyến đường; qua đó hình thành không gian đô thị và thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, nhất là các khu đô thị, trung tâm dịch vụ và thương mại, khách sạn của các nhà đầu tư lớn; đồng thời củng cố, phát triển những thành quả đạt được trong những năm qua trên tất cả các lĩnh vực.

Sau 10 năm “ra riêng”, đô thị trên cao nguyên Phủ Quỳ đã có những bước đi vững chắc và rồi đây với tầm nhìn, khát vọng, chiếc áo đô thị “trẻ mà không trẻ” này sẽ càng thêm lấp lánh không chỉ với màu xanh của cao su, sự tinh khiết của những dòng sữa trắng, những mùa cam trĩu quả mà còn thêm đậm chất phố thị lung linh, sầm uất với những con đường, tuyến phố, trung tâm thương mại…

TX. Thái Hòa – cửa ngõ miền Tây Bắc xứ Nghệ, nơi giao thoa các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc, nơi kết nối giữa quá khứ và hiện tại bằng những di tích lịch sử có tầm vóc thời đại. Nơi đây, đang hiện hữu một đô thị trẻ, năng động, đang vươn tầm hướng tới mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2020

Sukienh.20

Theo Bao Nghe An

CÔNG TY TNHH NGHỆ THUẬT QUẢNG CÁO H.20

Mã số thuế: 2900 774 264
 Trụ sở chính: B1105 Tecco Tower, Đường Quang Trung, Vinh, Nghệ An
 Văn phòng giao dịch: Phòng 103, Toà Nhà Glory Place, Phường Trường Thi, Vinh, Nghệ An
 Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh: Số 31, Đường số 6, Khu phố 2, Phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức
 Trung Tâm Nghệ Thuật ID: 49 Phong Định Cảng, Vinh, Nghệ An
 SĐT: 02382 600 166 - 0988 663 466
 Email: [email protected]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0988.663.466